Kinh doanh không phải chuyện đùa, đó là cả quá trình chiến đấu và ứng phó với những biến động và rủi ro, đôi khi còn là đánh đổi cả thanh xuân. Trong cuộc sống, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là bi quan về công việc kinh doanh hiện tại của mình. Lúc đó, hãy nhớ tới những câu chuyện kinh doanh hay, thú vị và bổ ích do Blog Unica sưu tầm dưới đây nhé, có thể bạn sẽ thay đổi cảm xúc và rút ra được bài học để vượt qua khó khăn đó.
Câu chuyện 1: Người ăn xin mù
Có một người đàn ông mù sống giữa một thành phố náo nhiệt, bận rộn. Người đàn ông ấy đang từng ngày kiếm sống chỉ với một dòng chữ: “Tôi bị mù, làm ơn giúp đỡ”.
Ông cũng nhận được một số sự chia sẻ, nhưng thực sự số tiền ấy quá ít, thậm chí có ngày chỉ đủ mua 1 ổ bánh mì.
Đến một ngày, có một cô gái đi ngang qua và nhìn thấy người mù già cả với chiếc cốc rỗng, cô ta quay lại. Cô lập tức viết gì đó lên mặt sau tấm bảng của ông rồi đặt tấm bảng xuống và bỏ đi. Từ đó ông nhận được nhiều tiền hơn, nhiều sự chia sẻ hơn.
Ngày hôm sau cô gái quay lại, ông già sờ vào đôi giày của cô và nhận ra.
Ông hỏi: “Cô đã viết gì vậy?”
Cô gái trả lời: Tôi vẫn viết như vậy, chỉ là từ ngữ khác đi thôi! Cô gái đã viết: “Hôm nay là một ngày đẹp trời, và tôi không thể thấy nó.”
Bài học rút ra: Nhiều khi chỉ cần chọn lựa ngôn ngữ quảng cáo thích hợp, bạn đã có thể kết nối và thay đổi hành vi của khách hàng.
Câu chuyện 2: Câu chuyện tại một cửa hàng kinh doanh tổng hợp
Câu chuyện về một anh chàng mới được tuyển vào bán hàng cho cửa hàng. Khi ngày làm việc đầu tiên của anh ta kết thúc, ông chủ tiến lại và hỏi:
- Hôm nay anh đã bán được bao nhiêu hàng hóa rồi?
- Chỉ một người thôi - Người bán hàng mới trả lời.
- Cái gì, chỉ một người thôi sao - Ông chủ thốt lên bực tức - Hầu hết các nhân viên của tôi đều bán được hàng ít nhất cho 20 hoặc 30 người trong một ngày. Thế tổng số tiền thu được là bao nhiêu?
- Dạ thưa, khoảng xấp xỉ 100 ngàn USD.
- 100 ngàn USD cơ à - Ông chủ vui mừng reo lên - làm sao chỉ một người mà cậu lại bán được nhiều hàng thế?
Nhân viên bán hàng mới kể lại:
- Khi người đàn ông đó đến, tôi bán cho ông ta một cái lưỡi câu nhỏ, sau đó tôi khuyên ông ta nên mua thêm một cái lưỡi câu loại trung bình và một cái lưỡi câu loại lớn.
Sau khi ông ta mua xong lưỡi câu, tôi lại khuyên ông ta nên mua thêm dây câu, loại nhỏ, loại nhỡ và loại to để câu các loại cá khác nhau.
Tôi hỏi ông ta rằng ông ta sẽ đi câu ở đâu, ông ấy trả lời rằng ông ấy sẽ đi câu ở ven biển. Tôi liền khuyên ông ta nên mua một cái xuồng máy và bán cái xuồng hiện đại với 2 động cơ.
Sau khi mua xuồng xong, ông ta nói rằng chiếc ô tô con của ông ta nhỏ quá cho nên không thể chở chiếc xuồng được và vì vậy tôi lại đưa ông ta đến khu bán ô tô và bán cho ông ta một cái xe tải để chở xuồng ra biển.
Nghe xong, ông chủ vô cùng hài lòng với tay nhân viên mới của mình. Ông nói giọng đầy hâm mộ:
- Như vậy là anh đã thuyết phục và bán cho ông ta tất cả mọi thứ đó, trong khi lúc đầu ông ta đến chỉ định mua một cái lưỡi câu, anh thật là một nhân viên bán hàng giỏi.
- Không, thực ra không hẳn vậy - Người bán hàng giải thích - Lúc đầu, ông ta đến chỉ định mua ít viên thuốc cảm cho vợ. Nhưng tôi nói với ông ta rằng "Tuần này vợ ông bị cảm cúm như vậy, ông ở nhà mà làm gì, tôi khuyên ông nên đi câu".
Bài học rút ra: "Bán cái khách hàng cần chứ không phải cái bạn sản xuất". Và vì vậy, biết khách hàng muốn gì là điều kiện tiên quyết để có thể "đánh đúng tâm lí" và thuyết phục họ.
Câu chuyện 3: Kinh doanh giày
Chuyện kể rằng có hai hãng sản xuất giày nọ đang cạnh tranh với nhau, họ cử các nhân viên của mình đến Châu Phi để khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh của mình ở đây.
Ở công ty thứ nhất: Anh nhân viên sau khi xem xét kỹ tình hình và báo lại về công ty mình rằng “Người dân ở đây chỉ đi chân đất, nên nếu chúng ta phát triển kinh doanh ở đây sẽ không hiệu quả, không phát triển được”.
Công ty thứ hai: Anh nhân viên công ty còn lại thì báo tin về xưởng sản xuất của mình rằng “Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây, nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang”.
Cuối cùng, sau khi công ty thứ hai thiết lập toàn bộ kế hoạch phát triển thị trường ở Châu Phi thì gặt hái được rất nhiều thành công.
Bài học rút ra: Mỗi tình huống, trường hợp đều ẩn chứa thuận lợi và khó khăn. Người kinh doanh giỏi là người nhìn thấy thuận lợi trong khó khăn và biết cách tận dụng nó.